Mô hình quản lý của Hàn Phi Tử

     Là người có đầu óc thực tế mạnh mẽ và hiểu biết sâu rộng về lịch sử, Hàn Phi Tử đã sớm nhận ra những hạn chế của lý luận Nho gia. Ông phê phán nho giá là thiếu hiểu biết khi bắt thực tế phải khuôn theo lý luận đã quá lạc hậu, làm cho dân ngu, xã hội loạn.

Mô hình quản lý của Hàn Phi Tử

     Theo Hàn Phi Tử, lý luận phải phù hợp với thời thế thì mới có ích; “Việc phải theo thời, biện pháp phải thích hợp, phong tục xưa và nay khác nhau, biện pháp cũ và mới phải khác nhau”. Hàn Phi Tử quan tâm nhiều đến khoảng cách, địa vị giữa người cai trị và người bị trị, đồng thời ủng hộ chế độ chuyên chế phong kiến, cổ vũ cho sự độc tài của các vua. Ông viết: “Người thi hành pháp luật mà cường thì nước mạnh- người thi hành pháp luật mà nhu nhược thì nước yếu”.

     Hàn Phi Tử phê phán tư tưởng Nho gia coi “dân là gốc của nước”, cho đó là mị dân. Theo ông, “làm chính trị mà mong vừa lòng dân đều là mối loạn, không thể theo chính sách đó trị nước được”.

     Mặc dù vậy, Hàn Phi Tử là người đề cao chính sách dùng người. Tài năng của nhà cai trị thể hiện ở việc dùng sức, dùng trí của người khác. “Sức một người không địch nổi đám đông, trí một người không biết được mọi vật, dùng một người không bằng dùng cả nước. Vua chúa bậc thấp kém dùng hết khả năng của mình, bậc trung dùng hết sức của người, bậc cao dùng hết trí của người. Dùng hết trí của người thì vua như thần”. Đãy là một tư tưởng hết sức sâu sắc về quản lý con người của Hàn Phi Tử.

     Về quan hệ vua – tôi, theo Hàn Phi Tử là quan hệ quản lý một chiều. Ông khuyên vua dùng hết tài trí của dân nhưng không được gần gũi, tỏ lòng thương dân. Đây là tư tưởng phản dân chủ, trong đỏ người dân chỉ là một thứ công cụ của vua và phải tuyệt đối phục tùng người thống trị.

     Tư tưởng đức trị của Khổng Tử cho rằng có sự thống nhất giữa công và tư, giữa gia đình và xã hội. Ngược lại, Hàn Phi Tử cho rằng công – tư mâu thuẫn với nhau, phải hy sinh tư cho công, gia đình phải phục tùng và hy sinh cho xã hội, lợi ích quốc gia là tối thượng, quan trọng hơn dân. Về điểm này, mô hình quản lý của Hàn Phi Tử có nét giống với “mô hình quan liêu” của Max Weber thuộc trường phái hành chính cổ điển.


 
;